Bối cảnh xã hội Jack the Ripper

Phụ nữ và trẻ em đang tụ tập trước một khu nhà trọ tập thể ở Whitechapel, gần các hiện trường vụ án của Jack the Ripper[1]

Làn sóng nhập cư người Ireland ở Anh nổi lên vào cuối thế kỷ 19 khiến dân số tại các thành phố lớn ngày càng gia tăng, trong đó có vùng East End, Luân Đôn. Từ năm 1882, các khu vực tương tự lại tiếp tục đón nhận thêm những người tị nạn Do Thái chạy trốn khỏi các cuộc tàn sát diễn ra ở Sa quốc NgaĐông Âu.[2] Năm 1888, giáo xứ khu Whitechapel ở East End, Luân Đôn, ngày một đông đúc với số dân tăng lên khoảng 80,000 người.[3] Điều kiện nhà ở cũng như môi trường làm việc của những cư dân ở đây trở nên tồi tệ, và một tầng lớp hạ lưu nghèo khó đáng kể bắt đầu gia tăng.[4] Một nửa số trẻ em sinh ra tại East End đều chết trước khi lên năm.[5] Cướp giật, bạo lực và nạn nghiện rượu diễn ra như cơm bữa,[3] sự nghèo đói tràn lan đẩy nhiều phụ nữ vào con đường hành nghề mại dâm để kiếm sống qua ngày.[6]

Tháng 10 năm 1888, Sở Cảnh sát Thủ đô Luân Đôn ước tính có tới 62 nhà thổ cùng 1,200 gái mại dâm trên khắp Whitechapel.[7][8][9] Hàng đêm, khoảng 8,500 người cư trú trong 233 nhà trọ tập thể,[3] với giá 4 xu cho một giường đơn mỗi tối.[10] Ngoài ra, còn có các "nhà chài" được cột bằng dây, kéo qua từng gian phòng ngủ của mỗi nhà trọ, với chi phí 2 xu, dành cho trẻ em hoặc người lớn.[11]

Gánh nặng kinh tế kéo theo sự gia tăng đều đặn các vấn đề bất ổn xã hội. Từ năm 1886 đến năm 1889, nhiều cuộc biểu tình thường xuyên [12] đã buộc cảnh sát phải can thiệp, đồng thời gây ra tình trạng náo động trong dân chúng. Chủ nghĩa bài Do Thái, giới tội phạm, sự phân biệt chủng tộc, những xáo trộn xã hội và tình trạng thiếu thốn vật chất nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới nhận thức của công chúng rằng Whitechapel là một hang ổ khét tiếng của các hoạt động bất lương.[13] Định kiến trên càng được củng cố vào mùa thu năm 1888 khi các phương tiện truyền thông đưa tin về hàng loạt vụ giết người tàn bạo và kỳ quái đều quy trách nhiệm cho "Jack the Ripper", với một mức độ chưa từng có.[14]